Tầm nhìn 2030:
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là trường đại học nghiên cứu trong hệ thống ĐHQG-HCM, nằm trong tốp đầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của Châu Á.
I. GIỚI THIỆU
Trường ĐH KHXH&NV có lịch sử hơn 60 năm hình thành và phát triển. Sau Hiệp định Genève 1954, trên cơ sở Đại học Văn khoa ở Hà Nội, Trường được tái lập ở Sài Gòn vào tháng 11 năm 1955 với tên gọi là Trường Cao đẳng dự bị Văn khoa Pháp và là trường thành viên của Viện Đại học Quốc gia Việt Nam ở Sài Gòn. Đến ngày 01-3-1957, Trường chính thức thành lập với tên gọi Trường Đại học Văn khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Từ năm 1976 đến năm 1996, Trường trở thành bộ phận các ngành khoa học xã hội và nhân văn trong Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 30-3-1996, Trường mang tên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc hệ thống Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh theo quyết định số 1233/QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hiện nay, Trường đào tạo các trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân và các khoá đào tạo ngắn hạn theo nhu cầu xã hội. Các chương trình đào tạo đáp ứng tốt nhu cầu học tập, nghiên cứu đa dạng của người học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước. Từ thành quả đào tạo của trường, nhiều cựu sinh viên đã và đang đóng góp không ngừng nghỉ cho sự phát triển của đất nước, nhiều cựu sinh viên đã trở thành những chính trị gia xuất sắc của đất nước với các trọng trách như như Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Uỷ viên Bộ chính trị, bí thư các tỉnh thành phố,…
Cơ cấu ngành đào tạo của Trường được xác lập theo định hướng nghiên cứu; nâng cao chất lượng các ngành học cơ bản – truyền thống, đồng thời chú trọng phát triển các ngành học ứng dụng – hiện đại; thực hiện quy mô hợp lý đối với các phương thức và loại hình đào tạo: ổn định quy mô hệ chính quy và văn bằng 2, giảm quy mô hệ vừa làm vừa học, và mở hệ đào tạo chất lượng cao ở bốn ngành Quan hệ quốc tế; Báo chí, Ngôn ngữ Anh, Nhật Bản học, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
Nhà trường là đơn vị tiên phong trong việc khai mở ra những ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu xã hội như: Việt Nam học, Đông phương học, Nhân học, Quan hệ quốc tế, Đô thị học, Ngữ văn Tây Ban Nha, Ngữ văn Ý…; là đơn vị dẫn đầu cả nước về việc thu hút sinh viên và học viên quốc tế với trên 300 học viên cao học, nghiên cứu sinh, sinh viên đến từ 75 quốc gia và vùng lãnh thổ đến học tập toàn thời gian và trên 5.000 lượt học viên, sinh viên đến học tập, nghiên cứu ngắn hạn hàng năm.
Hiện nay, toàn trường có hơn 16.000 sinh viên các hệ đại học và sau đại học được đào tạo theo 54 chương trình giáo dục (phân ngành) thuộc 30 ngành đào tạo bậc đại học, 44 chương trình sau đại học và trên 10 chương trình liên kết quốc tế. Chương trình đào tạo Việt Nam học, Ngữ văn Anh, Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ học, Báo chí, Công tác xã hội, Giáo dục học đã được Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) kiểm định chất lượng.
Các nhà nghiên cứu của Trường đã và đang thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, đóng góp quan trọng trong việc tăng cường tri thức khoa học và phát triển xã hội, đặc biệt là tại khu vực Nam Bộ. Nhiều thành quả nghiên cứu của giảng viên Trường đã được công bố trên các tạp chí, sách giáo khoa, sách tham khảo được xã hội đón nhận và đánh giá cao. Thêm vào đó, với nhiều đối tác là các trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới, Nhà trường còn là cầu nối và là đối tác học thuật quan trọng để tiếp nhận và áp dùng nhiều khung lý thuyết mới, phương pháp mới, cách tiếp cận mới và góc nhìn mới trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam.
Các hoạt động hợp tác quốc tế là điểm mạnh của Nhà trường. Trường có quan hệ đối tác với hơn 250 trường đại học và viện nghiên cứu trên thế giới. Quan hệ quốc tế được thể hiện trong nhiều hình thức đa dạng bao gồm: Trao đổi sinh viên và giảng viên theo các chương trình ngắn hạn và dài hạn; Các chương trình học tập ở nước ngoài; Các chương trình đào tạo chung và công nhận tín chỉ lẫn nhau cấp đại học học sau đại học; Các dự án nghiên cứu chung và tổ chức hội nghị/hội thảo khoa học quốc tế và xuất bản các ấn phẩm khoa học về các vấn đề đương đại trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Trường luôn nằm trong số các trường có hoạt động sinh viên sôi nổi của thành phố và của phong trào sinh viên cả nước. Nhà trường là nơi khởi đầu của Chiến dịch Xuân tình nguyện mà nay đã trở thành hoạt động tình nguyện quốc gia; là nơi mà lễ hội văn hoá các ngành học trở thành bản sắc với Lễ hội văn hoá Đông phương, Ngày hội Việt Nam học, Ngày hội Nhân học, Ngày hội Xã hội học, Ngày hội văn hoá Tây Ban Nha… hay Điểm hẹn văn hoá nhân văn phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc…
Sinh viên trường với đặc trưng ngành học về văn hoá, ngôn ngữ của nhiều quốc gia như: Hoa Kỳ, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Nga, Italia, Pháp, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia… đã tạo nên một môi trường học thuật đa văn hoá. Hàng năm, có hàng trăm sinh viên tham gia các chương trình giao lưu, trao đổi văn hoá với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Trường ĐH KHXH&NV cũng là nơi mà đông đảo sinh viên được tiếp nhận các học bổng học tập ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc…
Với uy tín, chất lượng, truyền thống đào tạo, tháng 5 năm 2017, Trường nhận Chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) cấp.
II. CƠ SỞ VẬT CHẤT
Cở sở Đào tạo
– Cơ sở: 10-12 Đinh Tiên Hoàng, P. Bến Nghé, Q. 1, TP. HCM
– Cơ sở: Linh Trung, Thủ Đức, TP. HCM
III. HỌC PHÍ
Thông tin: Học phí Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM mới nhất
IV. THÔNG TIN LIÊN HỆ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN, ĐHQG-HCM
Địa chỉ: 10-12 Đinh Tiên Hoàng, P. Bến Nghé, Q. 1, TP. HCM
Điện thoại: (028) 38 293828
Cổng thông tin điện tử
Trường: http://hcmussh.edu.vn/
Tuyển sinh: http://tuyensinh.hcmussh.edu.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/ussh.vnuhcm